Trào lưu sang Trung Quốc mua nội thất giá rẻ
Sang tận Trung Quốc "đánh" hàng không còn là bí quyết kiếm lời của riêng giới buôn nội thất mà đang thành "mốt" của những gia đình muốn tiết kiệm chi phí khi tân trang nhà cửa.
Được bạn bè giới thiệu rằng nội thất cũng như vật liệu xây dựng Trung Quốc khá rẻ, có khi chỉ bằng hai phần ba, thậm chí một nửa mua trong nước, chị Hương ở Tây Hồ (Hà Nội) đã lặn lội sang tận Quảng Châu sắm sửa cho ngôi nhà mới.
Chỉ sau một chuyến tự đánh hàng, chị Hương tỏ ra rành rọt như nhà buôn lâu năm. Chị kể, lúc sang Trung Quốc, có thể đi bằng đường bộ hoặc hàng không.
Nhiều người đang có xu hướng sang Trung Quốc mua đồ nội thất vì có giá rẻ hơn nhiều so với tại Việt Nam. |
Giá phòng khách sạn tại Quảng Châu khá rẻ, chỉ dao động từ 150 nhân dân tệ. (Một nhân dân tệ hiện tương đương hơn 3.100 đồng). Nếu từ 400 tệ trở lên, đã có thể nghỉ ở khách sạn 4 sao. Ngoài chi phí thuê phòng, vì không biết tiếng bản địa, chị Hương phải chi thêm tiền thuê người dẫn đi mua sắm kiêm phiên dịch. Những người này được gọi là "tai". Phí thuê "tai" mỗi ngày từ sáng đến chiều dao động 300 tệ.
"Ngay cả khi tính thêm các chi phí ăn ở, đi lại… đồ nội thất mua tại gốc như thế này, so với bán ở Việt Nam, vẫn còn rẻ chán”, chị Hương nói.
Hào hứng khoe bộ sofa da khá xịn mua từ Quảng Châu, quy ra tiền Việt chỉ khoảng 50 triệu đồng, chị Hằng, ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) tiết lộ mua tại gốc, giá rẻ một nửa, thậm chí hai phần ba. Chị cho hay trước khi quyết định sang Quảng Châu mua hàng đã đi khảo giá một số cửa hàng nội thất ở Hà Nội và thấy cũng bộ ghế như thế được chủ hàng phát giá 100 triệu, có khi 140-150 triệu đồng.
Những bộ nội thất trẻ em được quảng cáo là hàng nhập khẩu có giá bán khá đắt, có khi lên tới 25-30 triệu đồng một bộ trên phố Đê La Thành. Nhưng theo chị Hằng, ở Quảng Châu, giá chỉ trên dưới 12 triệu đồng. Hàng nội thất bán ở đây khá đa dạng từ nhiều địa phương Trung Quốc và cả Châu Âu...
Nhiều loại rèm cửa ở Trung Quốc có mẫu mã và kiểu dáng tương đối bắt mắt được bán với giá khoảng 50.000 đồng một mét, rẻ chỉ bằng một nửa so với bán tại Việt Nam. Theo anh Kiên (ở Đê La Thành, Hà Nội) hay đi nhập hàng tại Trung Quốc, ưu thế của hàng Việt Nam so với hàng Quảng Châu là chất liệu mát mẻ và mềm mại.
“Hàng Quảng Châu được cái mẫu mã đẹp, song về độ mềm so với hàng trong nước sản xuất kém hơn. Tuy nhiên, vì giá rẻ hơn so với trong nước mà cũng được chuộng, nên người kinh doanh vẫn hay nhập về bán”, anh nói. Ngay cả khi đã trừ tất cả chi phí ăn ở, đi lại bên Trung Quốc (dao động khoảng trên dưới 5 triệu đồng đến khoảng gần chục triệu đồng trong vài ngày), theo anh này, người mua hàng tận nơi vẫn được giá rẻ hơn so với ở Việt Nam.
Bộ giường trẻ em mua tại Quảng Châu (Trung Quốc) giá chỉ hơn 10 triệu đồng. Nếu ở Việt Nam, mức giá có thể đắt gấp đôi. |
Tuy nhiên, khâu vận chuyển lại là yếu tố quyết định. Theo những người thường xuyên đưa hàng từ Trung Quốc, có hai hình thức vận chuyển về Việt Nam. Thông thường, nếu chuyển hàng trốn thuế không qua cửa khẩu, người mua phải thuê cửu vạn vác hàng băng rừng. Giá thuê dao động khoảng 1,2 triệu đồng cho 100 kg hàng đóng trong bao.
"Bộ salon mua bên Trung Quốc khoảng 7- 8 triệu đồng, tính cả phí đi lại ăn ở khoảng 3 triệu nữa, cả tiền thuê cửu vạn khoảng 1- 2 triệu đồng, thì tổng chi phí cũng chỉ khoảng 13 triệu đồng. Song nếu mua ở Việt Nam, giá có khi lên tới 25- 30 triệu đồng, rõ ràng sang tận gốc mua hàng tiết kiệm hơn", chị Hương chia sẻ.
Riêng với những người mua số lượng nhiều, hoặc hàng có giá từ vài chục triệu tới vài trăm triệu, theo chị Hương chủ yếu phải chở về bằng ôtô. Chi phí gồm cả tiền vận chuyển và các loại phí khác vào khoảng 60 triệu đồng cho một xe container 40m3. Cách này an toàn hơn so với thuê cửu vạn, mà hàng cũng khá nhanh, sau 5-7 ngày.
"Đồ nội thất có thể tháo rời để xếp cho gọn. Các loại bồn tắm, bồn sục tốn diện tích nhiều hơn. Tuy nhiên hai, ba gia đình có thể để chứa vừa một container, như vậy chi phí vận chuyển sẽ giảm còn khoảng 20 triệu đến 30 triệu một gia đình", chị Hương nói.
Tuy nhiên, không phải chuyến nào cũng suôn sẻ. Có người mất cả nửa tháng bên Trung Quốc, gom được đầy xe, về đến biên giới thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. May mắn thì được nộp thuế và tiền phạt, coi như ngang giá mua trong nước. Nếu không, bị tịch thu cả xe, vừa mang tội buôn lậu lại mất hết cả hàng hóa.
Việt Nam có ưu thế lớn về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 3,45 tỷ USD và nhập khẩu 1,15 tỷ USD. 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu là 1,46 tỷ trong khi nhập khẩu 485 triệu USD.
Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam xuất siêu gỗ và các sản phẩm. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này cả năm ngoái là 405 triệu USD trong khi nhập khẩu 169 triệu USD. 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 222 triệu USD trong khi nhập khẩu 57 triệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét